Ô giấy dầu là một loại ô (dù) giấy có nguồn gốc ở Trung Quốc. Kiểu ô làm bằng giấy dầu này đã truyền khắp châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Okinawa, Thái Lan và Lào. Người dân ở các quốc gia này đã tiếp tục phát triển những chiếc ô giấy dầu với các đặc tính khác nhau. Khi người Khách Gia chuyển đến Đài Loan, chiếc ô giấy dầu cũng bắt đầu phát triển ở Đài Loan.
Lịch sử
Ô giấy dầu tương truyền là do Vân thị – vợ của Lỗ Ban – sáng tạo ra, nhưng lúc đầu ô thường được làm bằng các vật liệu như lông chim, tơ lụa…, sau khi giấy được phát minh mới dần dần dùng giấy thay thế. Không rõ ô giấy dầu bắt đầu xuất hiện từ khi nào, chỉ biết nó được truyền sang Nhật Bản, Triều Tiên vào khoảng thời Đường, đến thời Minh thì bắt đầu phổ biến trong dân gian. Vùng Giang Nam do khí hậu ẩm thấp nhiều mưa nên việc chế tạo ô giấy dầu đương thời rất phồn thịnh, trong một số tác phẩm văn học như “Bạch Xà truyện” cũng có thể nhìn thấy bóng dáng của ô giấy dầu.
Quá trình chế tác thông thường
Quá trình chế tác ô giấy dầu và trình tự các bước ở mỗi vùng không hoàn toàn giống nhau, nhưng thông thường có thể chia thành bốn bước chính như sau:
- Chọn tre/ trúc.
- Làm khung: vót nan, xử lý kỹ thuật như ngâm nước, phơi nắng, sau đó đục lỗ, kết khung, xỏ chỉ, nối với cán ô, đầu ô tạo thành khung ô.
- Dán mặt ô: dán giấy đã cắt sẵn lên khung ô, cắt sửa mép, bôi dầu, phơi nắng.
- Vẽ hoa: Vẽ hoa văn lên mặt ô.
Hoa văn trên ô giấy dầu Trung Quốc thông thường dùng đề tài phổ biến trong thư họa truyền thống như hoa, chim, sông núi… hoặc các tình tiết trong các tác phẩm văn học nổi tiếng như “Hồng lâu mộng”, “Tây sương ký”; cũng có khi không vẽ tranh mà viết thư pháp lên mặt ô. Cán ô và khung ô đều giữ nguyên màu sắc vốn có, mang vẻ cổ xưa, mộc mạc.
Những vùng làm ô giấy dầu nổi tiếng ở Trung Quốc là: Dư Hàng – Chiết Giang, Phân Thủy – Tứ Xuyên, Giáp Lộ – Giang Tây, Trường Sa – Hồ Nam, Hán Khẩu – Hồ Bắc, Phúc Châu, Dương Khẩu – Phúc Kiến, Vinh Dương – Vân Nam.
Ý nghĩa văn hóa của ô giấy dầu
Tuy chỉ là một vật dụng bình thường, nhưng ô giấy dầu lại mang những ý nghĩa văn hóa đặc biệt như sau:
- Hình dáng chiếc ô “đội trời đạp đất”, hàm chứa khái niệm văn hóa “thiên nhân hợp nhất” – tinh tuý văn hóa cổ điển Trung Quốc.
- Nan ô tụ vào một trục, tượng trưng cho đoàn kết và sức mạnh.
- Bên ngoài ô một mảng trời xanh, bên trong ô ý tình dào dạt, ô giấy dầu tiêu biểu cho sự quan tâm và tình cảm chân thật.
- “Giấy dầu” (油紙) trong tiếng Trung có âm đọc tương tự như “có con” (有子), chữ “ô” phồn thể(傘)có năm chữ nhân(人)hợp lại, ngụ ý “ngũ tử đăng khoa” (năm con trai thi đỗ).
- Dùng dầu trẩu bôi lên mặt ô – trấn trạch tỵ tà, bình an như ý.
- Mặt ô hình tròn – mỹ mãn đoàn viên.
- Khung ô bằng tre trúc, ngụ ý “nấc nấc tiến lên” (tiến bộ nhanh chóng).
- Hứa Tiên và Bạch Xà trong “Bạch Xà truyện” quen nhau nhờ một chiếc ô đỏ, từ đó dẫn đến một truyền thuyết tình yêu cảm động lòng người. Từ câu chuyện này, ô giấy dầu đã trở thành tín vật của tình yêu sắt son chung thủy.
Do những ý nghĩa văn hóa trên, nên ngoài mục đích che mưa che nắng, ô giấy dầu cũng là một vật không thể thiếu trong các tập tục cưới hỏi, ma chay của một số dân tộc ở Trung Quốc. Trong hôn lễ truyền thống Trung Quốc, khi cô dâu xuống kiệu, bà mối sẽ dùng ô giấy dầu màu đỏ che cho cô dâu để tránh tà. Ô màu tím là biểu tượng của sự trường thọ, được dành cho người già, trong khi ô màu trắng được sử dụng trong đám tang.
Một số tập tục dùng ô giấy dầu
Dùng ô giấy dầu làm của hồi môn trong tập tục Khách Gia
Trong thời kỳ đầu xã hội Khách Gia, do “giấy” (紙) và “con” (子) trong tiếng Khách Gia là hai từ đồng âm, nên khi con gái lấy chồng, bên nhà gái thường dùng hai chiếc ô giấy dầu làm của hồi môn, nhằm cầu chúc cho cô dâu “sớm sinh quý tử”, hơn nữa, trong chữ “ô” (傘) có năm chữ “nhân” (人), cũng tượng trưng cho điềm đông con đông cháu. Chiếc ô khi bung ra có hình tròn, ngụ ý chúc cho cuộc sống vợ chồng được mỹ mãn tốt đẹp. Ngoài ra, đưa ô về nhà chồng cũng biểu thị ý nghĩa “che mưa che nắng, đuổi ác trừ tà”. Tập tục dùng ô giấy dầu làm của hồi môn đến nay vẫn được áp dụng trong cộng đồng dân tộc Khách Gia ở Đài Loan và Đông Nam Á (ở Việt Nam, người Khách Gia được gọi là người Hẹ).
Tín vật đính hôn của người Dao
Ô giấy dầu được dùng làm tín vật đính hôn của người Dao ở vùng Tiểu Sa Giang, Long Hồi, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Nếu hai bên trai gái tâm đầu ý hợp, nhà trai sẽ mời ông mai sang nhà gái cầu hôn theo phong tục truyền thống. Lần đầu tiên đến cầu hôn, ông mai không cần phải chuẩn bị lễ vật, chủ yếu là hỏi ý bố mẹ cô gái. Vào ngày đính hôn, ông mai bên nhà trai sẽ cầm một chiếc ô màu đỏ sang nhà gái, lúc bước vào nhà sẽ đặt ô lên trang thờ để cho nhà gái lấy ô xuống. Nếu bên nhà gái có ý muốn kết thân thì sẽ lấy 12 quả cầu vải hình tam giác được bện bằng chỉ lụa và vải hoa đủ màu treo trên khung ô giấy dầu và khép ô lại, bên mép ô lúc này sẽ xuất hiện một cái tua dài hơn một tấc. Sau đó, ông mai sẽ đem chiếc ô giấy dầu đã được buộc tua này về nhà trai để làm tín vật, biểu thị đính hôn thành công. Trên đường đi, ông mai không được mở ô ra xem. Nếu sau này hai bên ly hôn thì nhà trai phải trả lại những quả cầu vải bện bằng chỉ lụa cho nhà gái.
Tục hốt cốt của người Khách Gia
Do người Khách Gia ở Trung Quốc đại lục phần lớn sống ở vùng núi, người chết thường được chôn trong núi, người Khách Gia chôn người chết ban đầu thường không lập bia cũng không xây mộ, đến lúc hốt cốt (thông thường là 3 năm, 5 năm sau đó hoặc lâu hơn) mới tổ chức nghi lễ cải táng long trọng. Lúc quyết định cải táng, sau khi chọn đất cải táng, vào ngày mùng 1 tháng 8 âm lịch (hoặc trước và sau tiết Đại Hàn), người nhà mời thầy hốt cốt đến, sau khi đốt nhang cúng tế thì đào mộ, mở quan tài, đồng thời hốt cốt dưới bóng che của ô giấy dầu, rồi dùng dầu sơn trà lau sạch di cốt, sau đó cho vào tiểu và đưa đi an táng lại.
Tục chôn cất của người Thái
Dân tộc Thái sống ở vùng Vân Nam, Trung Quốc dùng giấy dướng để làm ô giấy dầu, dầu mà họ dùng là dầu mè. Người Thái tin rằng ô có thể dẫn người chết lên thiên đàng, vì thế, ô giấy dầu trở thành vật cần thiết để chôn theo người chết. Hiện nay có thể mua được những chiếc ô làm bằng giấy dướng ở trấn Mãnh Giá.
Tục múa ô của người Khách Gia
Múa ô là điệu múa truyền thống của người Khách Gia. Khi biểu diễn, người múa cần phải cầm ô trên tay, đồng thời mặc trang phục truyền thống của Khách Gia là áo dài màu xanh. Múa ô cùng với tuồng hái chè, sơn ca đều là một bộ phận quan trọng trong văn hóa Khách Gia.
Trong nghi lễ tôn giáo
Trong các nghi lễ tôn giáo cũng thường thấy ô giấy dầu được làm vật che trên ghế kiệu thiêng liêng, ở đây nó cũng mang ý nghĩa mỹ mãn, là biểu tượng che mưa che nắng, xua đuổi tà ma cho con người.
Ô giấy dầu ở Mỹ Nùng, Đài Loan
Ô giấy dầu là một trong những biểu tượng văn hóa Khách Gia đặc hữu của quận Mỹ Nùng, thành phố Cao Hùng, Đài Loan.
Quá trình chế tác ô giấy dầu ở Mỹ Nùng có thể chia thành 5 khâu: làm khung ô, tạo ô, đầu ô, cán ô, vẽ hoa văn. Trúc dùng để chế tạo khung ô giấy dầu Mỹ Nùng đa phần đều là trúc sào ở Trúc Sơn, Phố Lý – Nam Đầu và Kỳ Sơn – Cao Hùng, Đài Loan. Do trúc sào cứng và có tính đàn hồi, không dễ gãy, nên chế tạo khung ô đa phần đều dùng trúc sào. Trước khi chế tạo, đem ngâm trúc sào trong nước khoảng một tháng để khử đường, sau đó phơi nắng để chống mối mọt rồi đem cưa trúc, vót thành nan khung, lại chế tạo đầu ô, cán ô, đục lỗ, xỏ dây. Sau khi kết cấu khung ô hoàn thành, lại thực hiện các bước như dán giấy, sửa mép, bôi dầu, phơi nắng, vẽ hình, lắp cán ô, cố định đầu ô, xỏ dây bên trong… mới xong.
Có hai truyền thuyết về nguồn gốc kỹ thuật chế tạo ô giấy dầu ở Mỹ Nùng: Một là vào những năm Đại Chính thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan, Lâm A Quý và Ngô Chấn Hưng đã mời nghệ nhân chế tạo ô ở Trung Quốc đại lục đến Đài Loan truyền nghề. Một thuyết khác cho rằng một nghệ nhân chế tạo ô tên Quách Ngọc Cầm ở huyện Mai, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã vượt biển sang Đài Loan, dừng chân cư trú ở Mỹ Nùng, Cao Hùng, đồng thời truyền kỹ thuật làm ô cho dân Mỹ Nùng. Các xưởng làm ô giấy dầu ở Mỹ Nùng thời kỳ đầu đều lấy chữ “Quảng” để đặt tên, như: Quảng Chấn Hưng, Quảng Đức Hưng…
Trước năm 1960, ô giấy dầu, thuốc lá và gạo là nguồn thu nhập kinh tế quan trọng của Mỹ Nùng. Những năm 60 của thế kỷ 20 là thời kỳ hưng thịnh nhất của ô giấy dầu ở Mỹ Nùng, vùng Mỹ Nùng có tổng cộng hai mươi mấy xưởng sản xuất ô giấy dầu, mỗi năm sản xuất hơn 20 ngàn chiếc. Nhưng sau đó, do nền công nghiệp ở Đài Loan bắt đầu phát triển nhanh chóng, những chiếc ô kiểu phương Tây do máy móc sản xuất có giá cả thấp hơn mà lại bền, dễ mang theo. Từ đó, Đài Loan trở thành vương quốc của những chiếc ô kiểu phương Tây, ô phương Tây dần dần thay thế ô giấy dầu, khiến không ít xưởng chế tạo ô giấy dầu truyền thống bị buộc phải đóng cửa.
Vào năm 1983, đạo diễn người Khách Gia là Lâm Phúc Địa từng quay bộ phim truyền hình nhiều tập “Ngôi sao hiểu lòng tôi” ở Mỹ Nùng. Sau khi bộ phim này phát sóng ở Nhật Bản, người Nhật có ấn tượng rất sâu sắc đối với chiếc ô giấy dầu trong phim, thế là Nhật Bản đã đặt mua một số lượng lớn ô giấy dầu ở Đài Loan, cứu vãn số phận nguy khốn của các xưởng chế tạo ô giấy dầu thời bấy giờ. Sau năm 1980, kinh tế Đài Loan dần dần lớn mạnh, ngành du lịch ở Mỹ Nùng cũng bắt đầu phát triển, khiến cho chiếc ô giấy dầu từ một vật dụng thường ngày dần dần trở thành một nét văn hóa địa phương kết hợp với tham quan du lịch.
Tuy hiện nay người ta thường sử dụng ô làm theo công nghệ phương Tây, nhưng địa vị của ô giấy dầu không những không mất đi mà còn được nâng cao, trở thành một tác phẩm nghệ thuật, một đặc trưng văn hóa và là món quà lưu niệm đặc sắc cho khách du lịch ở Trung Quốc, Đài Loan. Chiếc ô giấy dầu tinh tế, mỏng manh là kết tụ tài hoa, tâm huyết của nghệ nhân cùng với hồn văn hóa Trung Hoa từ nghìn năm xưa cũ. Xoè chiếc ô giấy dầu – phảng phất nhìn thấy bóng dáng Trung Hoa xa xưa trong lòng đô thị hiện đại, không khỏi cảm khái bồi hồi!
0 responses on "Ô GIẤY DẦU - 油紙傘"