Liên hệ ! 0906 778 713 | nshaihasg@gmail.com

Setup Menus in Admin Panel

MÚA RỐI TÚI – 布袋戲

Múa rối túi, còn gọi là múa rối tay, là một loại hình nghệ thuật độc đáo lưu hành ở các vùng Tuyền Châu, Chương Châu – Phúc Kiến, Triều Châu – Quảng Đông và đặc biệt là Đài Loan. Con rối túi truyền thống có đầu được làm bằng gỗ, mình làm bằng vải giống như chiếc túi, khi biểu diễn, người nghệ nhân lồng bàn tay vào mình rối, dùng ngón tay để điều khiển rối, kết hợp với lời thoại và âm nhạc ở hậu trường.

Nguồn gốc múa rối túi

Múa rối túi bắt nguồn ở Tuyền Châu – Phúc Kiến vào khoảng thế kỷ 17. Có một câu chuyện truyền kỳ ở vùng Tuyền Châu nói về nguồn gốc của Múa rối túi: Tương truyền vào giữa thời Minh, có một tú tài tên là Lương Bính Lân đi thi nhiều lần không đậu, một lần nọ, ông cầu nguyện được thi đỗ trong một ngôi miếu tiên ở Cửu Lý Hồ, huyện Tiên Du, tỉnh Phúc Kiến, sau đó ông nằm mơ thấy một ông lão viết trên tay ông mấy chữ “Công danh trên bàn tay” rồi bỏ đi. Tú tài họ Lương tỉnh giấc thì vô cùng vui mừng, cho rằng đó là điềm thi đỗ, không ngờ lần thi đó vẫn rớt. Trong lúc chán nản, ông bèn xin học múa rối dây với nhà láng giềng, sau đó sáng tạo nên con rối có thể trực tiếp lồng bàn tay vào bên trong. Dựa vào trình độ văn học xuất khẩu thành chương của mình đồng thời mượn các câu chuyện trong tiểu thuyết dã sử, ông đã nhanh chóng thu hút được rất nhiều người đến xem biểu diễn. Múa rối túi từ đó bắt đầu thịnh hành, danh tiếng của Lương tú tài cũng theo đó mà lan xa, lúc này ông mới hiểu được hàm ý của câu “Công danh trên bàn tay”.

Biểu diễn múa rối túi

Một vở diễn múa rối túi là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sân khấu và hậu đài. Trên sân khấu, người xem nhìn thấy diễn xuất của các con rối túi dưới sự điều khiển của nghệ sĩ điều khiển rối túi. Nghệ sĩ đọc thoại và dàn nhạc ở hậu đài thì đảm nhận việc đọc thoại và phối nhạc cho vở diễn.

Múa rối túi hiện nay được chia thành múa rối túi truyền thống và múa rối túi hiện đại. Con rối túi và kỹ thuật điều khiển rối túi cũng có sự khác biệt giữa truyền thống và hiện đại.

Múa rối túi truyền thống
Múa rối túi hiện đại

Con rối túi (戲偶)

Con rối túi có kết cấu cơ bản là: khung thân, phục sức, mũ. Khung thân bao gồm đầu (làm bằng gỗ), thân (rỗng, bằng vải), tay (bằng gỗ), đùi (đặc, bằng vải), giày (bằng gỗ). Về chủng loại, do múa rối túi truyền thống được chia thành 6 loại vai: kép, kép độc, đào, thần đạo, yêu tinh quỷ quái, vai chạy cờ, nên con rối túi cũng được chia thành 6 loại như trên. Đối với múa rối túi truyền thống mà nói, một gánh múa rối túi hình thành ít nhất phải chuẩn bị khoảng 80 con rối túi bao gồm 6 loại này.

Con rối túi truyền thống cao khoảng 30 cm, ban đầu do Tuyền Châu sản xuất, được làm bằng gỗ bạch quả hoặc gỗ đinh tán. Về sau, Đài Loan tự chế ra con rối túi của riêng mình bằng gỗ long não.

Con rối túi truyền thống
Con rối túi truyền thống

Con rối túi hiện đại cao khoảng 74-80 cm, tỷ lệ thân thể khá gần với người thật. Đầu rối dùng gỗ long não hoặc gỗ mắt trâu điêu khắc thành, trong đầu rối có thiết bị đặc biệt, có thể dùng dây kéo để điều khiển hai mắt chớp mở, còn có thể dùng ngón giữa để điều khiển cho môi mấp máy, cũng có loại mắt rối đặc biệt có thể liếc qua liếc lại. Tay rối có loại làm bằng gỗ cũng có loại làm bằng cao su, bên trong có đặt dây thép để điều khiển. Chân của con rối túi hiện đại thường làm bằng cao su, có lắp hai khớp gối và mắt cá, giày cũng có thể cởi ra thay đổi. Trang phục của rối túi càng về sau càng đẹp, thậm chí còn giống trang phục người thật.

Con rối túi hiện đại
Con rối túi hiện đại

Điều khiển rối túi (操偶演出)

Động tác điều khiển rối túi trên sân khấu chính là một trong những nhân tố then chốt quyết định sự thành công của vở diễn. Để điều khiển con rối túi, người nghệ sĩ cũng phải có công phu cơ bản. Nếu trong nghệ thuật múa là phải biết cách xoạc chân thì nghệ thuật này đòi hỏi phải biết cách xoạc các ngón tay để điều khiển con rối. Đây gọi là “Càn khôn trong bàn tay” hay còn gọi là thao tác trong bàn tay.

Trong múa rối túi truyền thống, con rối túi chỉ cao khoảng 30cm, thân mình và tứ chi đều là trang phục làm bằng vải, vì thế người điều khiển sẽ lồng một tay vào trong con rối để biểu diễn, thông thường, ngón tay trỏ sẽ lồng vào đầu con rối, ngón cái lồng vào một tay của con rối, ba ngón còn lại lồng vào tay phía bên kia, cử động bàn tay và năm ngón tay để điều khiển đầu, mình và tay con rối, thực hiện các động tác gật đầu, lắc đầu, đi lại… Tuy đơn giản, nhưng vì con rối bằng gỗ vẻ mặt hoàn toàn không có sự thay đổi, nên phải mượn các động tác cơ thể để biểu hiện tình cảm nhân vật, việc này cũng có độ khó nhất định. Do múa rối túi có thể dùng một tay điều khiển con rối, nên các nghệ sĩ điều khiển rối túi truyền thống thông thường có thể một mình điều khiển hai con rối, cho hai nhân vật đối thoại với nhau hoặc thực hiện các động tác chạy, nhảy, quăng ném – đón bắt, đánh nhau…

Điều khiển rối túi

Từ giữa thế kỷ 20, để tăng hiệu quả thị giác, con rối túi từ độ dài 30 cm dần dần trở thành 50 cm, thậm chí lên đến hơn 70 cm. Vì sự thay đổi này, điều khiển rối túi từ một tay đã trở thành hai tay, ngoại trừ bàn tay vẫn lồng vào trong con rối, ngón trỏ đặt vào đầu rối ra, còn phải điều khiển các thiết bị đặc biệt được lắp bên trong con rối. Tay trái và tay phải đều cần phối hợp với nhiều kỹ xảo mới có thể điều khiển con rối thực hiện nhiều động tác phức tạp khác.

Điều khiển rối túi

Kịch bản và tiết mục (劇本與戲碼)

Hình thức biểu diễn múa rối túi truyền thống lúc đầu khá đơn giản, các tiết mục chủ yếu là tùy hứng. Đến đầu thế kỷ 18 mới bắt đầu dần dần chú trọng tiết mục biểu diễn, có tiết mục kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, thông thường chia thành hai loại: văn và võ. Loại văn thường lấy đề tài tài tử giai nhân và điều tra vụ án, ít thịnh hành hơn loại võ. Loại võ thì cải biên từ tiểu thuyết võ hiệp và diễn nghĩa lịch sử như “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Phong thần”…, rất được hoan nghênh, về sau còn xuất hiện các tiết mục dành cho thiếu nhi. Kịch bản đa phần được truyền miệng, sau này mới có nghệ sĩ viết lại đề cương kịch bản với mục đích truyền lại cho học trò. Ngoài âm nhạc, các tiết mục múa rối túi hầu như đều lấy lời thoại làm chính, hoàn toàn không có ca hát, đây là điểm khác biệt rất lớn với các hình thức hý kịch khác của Trung Quốc.

Múa rối túi

Âm nhạc và lời thoại (音樂與口白)

Âm nhạc và lời thoại cũng là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của vở múa rối túi. Trong nghề múa rối túi có câu nói “Ba phần sân khấu, bảy phần hậu đài”, chính là nói rõ tính quan trọng của âm nhạc và lời thoại trong việc biểu hiện cái tinh tuý của múa rối túi.

Tùy theo vở diễn thuộc loại văn hay võ mà sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau. Vở võ thường dùng chiêng, trống, chũm choẹ, phách…; vở văn thường dùng đàn nhị, kèn suona, phách, nguyệt cầm và sáo. Về sau còn vận dụng âm nhạc của Kinh kịch, nhạc cụ và âm nhạc phương Tây, cho ca sĩ hát trực tiếp hoặc dùng băng ghi âm phát nhạc điện tử…

Nghệ sĩ đọc thoại dùng ngôn ngữ Mân Nam hoặc Đài Loan để biểu diễn có thể xem là linh hồn của múa rối túi. Trong một vở múa rối túi, nghệ sĩ đọc thoại sẽ đọc cả lời đối thoại và tự thoại của tất cả nhân vật, nên có vai trò rất quan trọng, liên quan đến thành công của vở diễn. Nghệ sĩ đọc thoại cần phải có kỹ thuật bắt chước những chất giọng khác nhau, phong cách nói chuyện khác nhau, thậm chí là khẩu âm địa phương khác nhau của tất cả nhân vật nam nữ lão ấu. Trên thực tế, nghệ sĩ đọc thoại được yêu thích còn phải có tố chất âm nhạc và trình độ văn học cao, còn cần phải thể hiện rõ tiếng nói của các nhân vật có tính cách khác nhau, biểu đạt những tình cảm, tâm trạng khác nhau.

Múa rối túi

Thơ ra mắt (xuất trường thi) (出場詩)

“Thơ ra mắt” là một điểm độc đáo của Múa rối túi. Trong một vở múa rối túi, mỗi nhân vật khi ra sân khấu đều có bốn câu thơ 7 chữ hoặc 5 chữ được ngâm lên để diễn tả thân phận, đặc điểm tính cách, tâm trạng, lý tưởng của mình, có khi báo danh. Ví dụ: Thơ ra mắt kinh điển của nhân vật Quan Âm Bồ Tát trong Múa rối túi là:

“Nam Hải Phổ Đà tự tại,
Thuyết pháp tam thiên thế giới,
Phật pháp vô biên vô lượng,
Phàm nhân nan đáo liên đài”.

Trong múa rối túi truyền hình của Đài Loan, mỗi nhân vật đều có thơ ra mắt phối hợp với nhạc, thậm chí là ca khúc, khiến cho người xem nghe nhạc thì biết được nhân vật nào sắp xuất hiện.

Xuất trường thi
Thơ ra mắt

Từ tạo hình con rối túi, kỹ thuật điều khiển rối túi, nghệ thuật đọc thoại, âm nhạc hậu đài đến những bài thơ ra mắt đặc sắc, tất cả đã tạo nên nét độc đáo của nghệ thuật múa rối túi. Tuy múa rối túi có nguồn gốc từ Tuyền Châu, Trung Quốc, nhưng bộ môn nghệ thuật này chỉ thực sự tỏa sáng ở Đài Loan, trở thành một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Đài Loan. Hiện nay, múa rối túi ở Đài Loan vẫn không ngừng được cải tiến, phát huy, nhưng vẫn giữ lại vẻ đẹp truyền thống in sâu trong lòng bao thế hệ khán giả.

19 Tháng Tám, 2023

0 responses on "MÚA RỐI TÚI - 布袋戲"

    Leave a Message

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    X
    Chuyển đến thanh công cụ