Liên hệ ! 0906 778 713 | nshaihasg@gmail.com

Setup Menus in Admin Panel

LỄ HỘI HOA TRẨU CỦA NGƯỜI KHÁCH GIA 客家桐花祭

Lễ hội hoa trẩu của người Khách Gia còn gọi là “lễ hội hoa Tung Hakka” (do “cây trẩu” được dịch sang tiếng Anh là “Tung tree”, “người Khách Gia” tiếng Anh gọi là “Hakka people”, Việt Nam gọi là người Hẹ). Lễ hội hoa trẩu của người Khách Gia là một hoạt động văn hóa du lịch thịnh hành hơn mười năm gần đây ở Đài Loan, do Ủy ban dân tộc Khách Gia Đài Loan sáng lập vào năm 2002, kết hợp ngắm hoa với công nghiệp, sinh thái, du lịch và văn hóa Khách Gia. Hằng năm, vào khoảng tháng tư, tháng năm, trên khắp các vùng miền Đài Loan có người Khách Gia cư trú đều tưng bừng diễn ra lễ hội hoa trẩu, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến ngắm hoa và tham gia các hoạt động văn hóa khác.

Cây trẩu ở Đài Loan

Trẩu là tên gọi chung của các loài cây thuộc chi Trẩu (Vernicia) trong họ Đại Kích (Euphorbiaceae), bao gồm trẩu (trẩu nhăn), trẩu trơn (trẩu lùn), trẩu Nhật Bản, chủ yếu phân bố ở Đông Nam Á, một số đảo ở Thái Bình Dương và các vùng cận nhiệt đới. Ở Đài Loan có hai loài trẩu là trẩu nhăn (Vernicia montana, tên tiếng Hoa: 木油桐,千年桐) và trẩu trơn (Vernicia fordii, tên tiếng Hoa: 油桐,三年桐), trong đó trẩu nhăn chiếm tỷ lệ hơn 95%.

Trẩu nhăn
Trẩu nhăn (Vernicia montana)
Trẩu trơn
Trẩu trơn (Vernicia fordii)

Trẩu không phải là loài bản địa của Đài Loan mà là loài du nhập, do người Nhật Bản đem giống từ lưu vực Trường Giang về trồng ở Đài Loan trong thời kỳ Nhật trị đồng thời khuyến khích người dân Đài Loan gieo trồng rộng rãi vì giá trị kinh tế lúc bấy giờ của nó. Hạt trẩu có thể dùng để ép lấy dầu, dầu trẩu là nguyên liệu quan trọng để chế biến sơn, vật liệu chống thấm; vỏ cây có thể dùng làm keo; gỗ trẩu được dùng để chế tạo vật dụng gia đình, tăm xỉa răng, que diêm…; vỏ quả trẩu dùng để chế than hoạt tính; rễ, lá, hoa, quả đều có thể dùng làm thuốc.

Cây trẩu có sự gắn bó chặt chẽ với người Khách Gia ở Đài Loan cũng do nguyên nhân lịch sử. Trong lịch sử khai khẩn đảo Đài Loan, phần đông người Khách Gia di cư tới Đài Loan là từ khu vực tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, họ đến Đài Loan muộn hơn so với người Mân Nam vượt biển tới Đài Loan từ các khu vực Chương Châu, Tuyền Châu của tỉnh Phúc Kiến. Người Khách Gia ở vào điều kiện không có lợi cho lắm, số người của dân tộc Khách Gia cũng ít hơn, do vậy, khu vực khai khẩn chủ yếu của họ là các dải đất ven đồi núi, mà đó chính là nơi thích hợp để trồng trẩu. Chính vì thế, ở gần những triền núi có phủ đầy những cánh rừng trẩu nhất định có các cụm dân cư người Khách Gia sinh sống. Trong quá khứ, cây trẩu từng đem lại lợi ích kinh tế cho người Khách Gia, giúp nâng cao mức sống cho người Khách Gia, mà những rừng trẩu bạt ngàn nở hoa trắng xóa đã trở nên quen thuộc trong tâm tưởng của người Khách Gia ở Đài Loan, trở thành hình ảnh gắn liền với cuộc sống của họ.

Rừng trẩu
Rừng trẩu

Lễ hội hoa trẩu của người Khách Gia

Tháng 6 năm 2001, Ủy ban dân tộc Khách Gia Đài Loan được thành lập, mục tiêu là khôi phục lại những giá trị văn hóa Khách Gia đang dần dần biến mất, duy trì mạch sống văn hóa Khách Gia, xây dựng Đài Loan trở thành một xã hội tôn trọng các giá trị văn hóa của các dân tộc đa nguyên. Cũng với mục tiêu đó, vào năm 2002, tại làng Bắc Hà, xã Công Quán, huyện Miêu Lật, ở một khám thờ thổ địa dưới bóng cây trẩu, Ủy ban dân tộc Khách Gia đã lập đàn tế bái nhằm chúc thọ sơn thần, thổ địa và cảm tạ núi rừng đã cung cấp tài nguyên cho người Khách Gia sinh sống, đồng thời quyết định tổ chức “Lễ hội hoa trẩu”, mời du khách đến ngắm hoa và tìm hiểu văn hóa phong tục Khách Gia. Kể từ đó, vào khoảng giữa tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, lễ hội hoa trẩu lại tưng bừng diễn ra ở các khu vực của người Khách Gia trên khắp Đài Loan, dùng hình ảnh hoa trẩu – loài hoa quen thuộc trong đời sống người Khách Gia – làm biểu tượng cho văn hóa Khách Gia.

Lễ hội hoa trẩu

Cây trẩu nở hoa vào thời điểm cuối xuân đầu hạ (khoảng giữa tháng 3 – 5) hằng năm, sớm hoặc muộn tùy thuộc vào nhiệt độ và lượng mưa. Hoa nở rộ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, thời kỳ ra hoa chỉ kéo dài từ 1-3 tuần. Hoa trẩu đơn tính, hoa cái và hoa đực mọc cùng một cành hoặc khác cành, hoa năm cánh, sắc trắng, tim hoa lúc mới nở có màu xanh non, dần dần chuyển sang màu nâu đỏ, hoa mọc thành chùm, khá thơm. Điều thú vị là cuống hoa đực rất mảnh và dễ đứt, khi hoa rụng sẽ rụng nguyên đóa, rụng luôn cả cuống, còn hoa cái thì chỉ rụng từng cánh từng cánh, còn lại nhị ở giữa để tạo thành quả. Mà số lượng hoa cái trên một cây trẩu lại rất ít, cả một cành đại khái không quá mười bông, trong khi số lượng hoa đực có thể lên đến trăm bông trên một cành. Vì thế, người ta thường thấy xác hoa trẩu trên mặt đất hầu như là còn nguyên đóa.

Hoa trẩu

Vào khoảng cuối xuân đầu hạ, trên khắp núi rừng nơi người Khách Gia sinh sống, hoa trẩu nở rộ, hoa trắng từng chùm chen chúc, khiến cho cả núi rừng biến thành một biển hoa trắng xóa. Từng trận gió nhẹ thoảng qua, hoa rụng lả tả đầy mặt đất, giống như trời đang đổ tuyết, cho nên dân gian mới đặt cho hoa trẩu một mỹ danh là “tuyết tháng năm”.

Kể từ khi có lễ hội hoa trẩu, Ủy ban dân tộc Khách Gia đã kết hợp với các huyện thành địa phương sửa chữa và xây dựng những con đường đi bộ ngắm hoa ở những vùng có nhiều cây trẩu. Những con đường hoa trẩu nổi tiếng chủ yếu tập trung ở miền Bắc, miền Trung và miền Đông Đài Loan, bao gồm: Chùa Thừa Thiên ở Thổ Thành, đường cổ núi Khê Châu ở Đào Viên, đường bộ Lộc Liêu Khanh ở Tân Trúc, đường bộ hồ chứa nước núi Vĩnh Hòa ở Miêu Lật, trạm xe Thắng Hưng, lâm trường Đông Thế ở Đài Trung, đường bộ núi Bát Quái ở Chương Hóa, đường bộ dốc Ngọa Long ở Viên Lâm, lâm trường Huệ Tôn ở Phố Lý, đường núi Hà Bao xã Cổ Khanh ở Lâm Viên, vườn thực vật Nhân Sơn ở Nghi Lan, cụm vườn văn hóa Khách Gia ở Đài Đông…

Con đường hoa trẩu

Lễ hội hoa trẩu là sự kết hợp giữa thưởng thức cảnh quan tự nhiên và tham quan, tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục địa phương, vì thế ở mỗi vùng sẽ có những nét đặc sắc khác nhau. Tham gia lễ hội hoa trẩu, du khách có thể đi lang thang trên những con đường mòn ngập xác hoa, ngắm “tuyết tháng năm” lả tả trong gió, hoặc ngồi trong một quán cà phê ngoài trời, thưởng thức một tách cà phê dưới bóng cây trẩu. Ở một số vùng còn tổ chức những chương trình biểu diễn vũ nhạc dân tộc, múa rối túi, tấu hài hoặc giới thiệu văn hóa ẩm thực, mỹ nghệ địa phương.

Lễ hội hoa trẩu

Cũng như lễ hội hoa anh đào ở Nhật Bản, lễ hội hoa trẩu ở Đài Loan dần dần đã trở thành hoạt động văn hóa du lịch truyền thống vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương vừa giúp quảng bá hình ảnh du lịch Đài Loan, những giá trị văn hóa truyền thống cũng qua đó mà được bảo tồn và phát huy.

21 Tháng Tám, 2023

0 responses on "LỄ HỘI HOA TRẨU CỦA NGƯỜI KHÁCH GIA 客家桐花祭"

    Leave a Message

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    X
    Chuyển đến thanh công cụ