Liên hệ ! 0906 778 713 | nshaihasg@gmail.com

Setup Menus in Admin Panel

ĐẦM NHẬT NGUYỆT – 日月潭

Đầm Nhật Nguyệt, còn gọi là hồ Nhật Nguyệt, nằm ở làng Thủy Xã, xã Ngư Trì, huyện Nam Đầu, Đài Loan, là đầm tự nhiên lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Đài Loan, do bồn địa đứt gãy giữa Ngọc Sơn và A Lý Sơn tích nước tạo thành. Đầm Nhật Nguyệt vốn là hai đầm riêng biệt, sau vì nhu cầu phát điện mới xây đập ở hạ du, khiến cho mực nước dâng lên, hai đầm nối liền thành một. Độ cao của mặt đầm so với mực nước biển là 748m, diện tích bình thường là 7.93 km2 (lúc ngập nước là 8.4 km2), mực nước sâu nhất là 27m, chu vi khoảng 35000m, là một trong những đầm nước ngọt có nhiều giống sinh vật ngoại lai nhất Đài Loan. Xung quanh đầm Nhật Nguyệt là núi non bao bọc, nước đầm trong vắt, có thể nhìn thấy độ sâu hơn 10m, phong cảnh tuyệt đẹp. Trong đầm Nhật Nguyệt có một hòn đảo nhỏ nhìn xa giống như một viên ngọc nổi lên trên mặt nước, có tên là đảo Lạp Lỗ (tên cũ là đảo Châu Tử, đảo Quang Hoa), lấy đảo này làm ranh giới, nửa đầm phía Bắc tròn như mặt trời, nửa đầm phía Nam cong như vầng trăng khuyết, nên có tên là đầm Nhật Nguyệt.

Truyền thuyết về đầm Nhật Nguyệt

Truyền thuyết thứ nhất:

Tương truyền việc phát hiện ra đầm Nhật Nguyệt là nhờ công của một con hươu thần. 300 năm trước, có 40 sơn dân ở vùng này đi săn tập thể, đuổi theo một con hươu lớn màu trắng chạy về hướng Tây Bắc. Họ đuổi ba ngày ba đêm, con hươu trắng bỗng biến mất trong rừng già trên núi cao. Những người thợ săn lại lùng kiếm ba ngày ba đêm. Sang ngày thứ tư, họ vượt qua núi rừng, chỉ thấy giữa vòng vây núi non trùng điệp, rừng rậm xanh ngắt là một mặt đầm xanh trong đang lặng lẽ tỏa sáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, giống như đứa trẻ sơ sinh thuần khiết cuộn mình ngủ say trong lòng mẹ. Những người thợ săn lại phát hiện giữa đầm có một hòn đảo nhỏ hình tròn cây mọc um tùm, chia đầm lớn thành hai nửa: một nửa tròn như mặt trời, nước có sắc đỏ; một nửa cong như trăng non, nước trong xanh. Thế là họ gọi đầm này là “đầm Nhật Nguyệt” và gọi hòn đảo đó là “đảo Châu Tử” (đảo ngọc). Họ phát hiện nơi đây nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, rừng rậm um tùm, thích hợp để canh tác và săn bắt, thế là quyết định dời cả làng vào sống nơi đây. Thủ lĩnh bộ lạc dẫn đầu chính là tổ tiên của tù trưởng tộc Thiệu hiện nay. Vùng đất bao quanh đầm thời xưa gọi là Thủy Sa Liên, thuộc xã Ngư Trì, huyện Nam Đầu, là nơi cư trú của người Thiệu, thuộc tộc Cao Sơn.

Đầm Nhật Nguyệt
日月潭 Đầm Nhật Nguyệt

Truyền thuyết thứ hai

Ngày xưa, ở Đài Loan có một chàng trai dũng cảm tên là Đại Tiêm và một cô gái xinh đẹp tên là Thủy Xã. Họ yêu nhau, thường hẹn hò nhau dưới bóng những cây to.

Trong cái đầm lớn này có hai con rồng hung ác. Một hôm, mặt trời đi ngang qua bầu trời, con rồng đực liền bay lên, há miệng nuốt mặt trời vào bụng. Ban đêm, mặt trăng đi qua bầu trời, con rồng cái cũng bay lên, há miệng nuốt luôn mặt trăng. Hai con rồng hung ác này bơi qua bơi lại trong đầm, xem mặt trời, mặt trăng như đồ chơi, hết nhả ra lại nuốt vào, hết đánh lại vỗ, giống như chơi bóng vậy. Chúng chỉ biết chơi đùa thỏa thích mà lại không nghĩ đến nhân gian không có mặt trời và mặt trăng, không phân rõ ngày và đêm, cây cối héo khô, chim chóc không kêu nữa, lúa sắp chín trên đồng cũng lép xẹp, lương thực nhà nhà hết sạch, bò dê cũng sắp chết đói, cuộc sống không còn duy trì được bao lâu nữa…

Đại Tiêm và Thủy Xã quyết tâm tìm lại mặt trăng và mặt trời cho nhân gian. Nhưng làm sao mới có thể giết chết hai con rồng hung ác đây? Đại Tiêm và Thủy Xã lẳng lặng chui vào hang động của hai con rồng, từ cuộc trò chuyện của hai con rồng hung ác, họ nghe lén được chúng sợ nhất là chiếc rìu vàng và cây kéo vàng được chôn dưới chân núi A Lý. Đại Tiêm và Thủy Xã vượt bao gian khổ, dãi gió dầm mưa, băng rừng lội suối, cuối cùng cũng đến được A Lý Sơn, đào chiếc rìu vàng và cây kéo vàng dưới chân núi lên. Sau đó, họ quay về bên bờ đầm, gặp lúc hai con rồng hung ác đang chơi đùa mặt trăng, mặt trời ở trong đầm. Đại Tiêm nhảy xuống đầm, vung rìu chặt đứt đầu con rồng đực. Thủy Xã thì dùng kéo cắt đứt bụng con rồng cái. Hai con rồng hung ác chết rồi, nhưng mặt trăng và mặt trời vẫn chìm trong đầm. Đại Tiêm và Thủy Xã bèn móc lấy mắt rồng nuốt vào bụng, họ biến thành hai người khổng lồ đứng trong đầm như hai ngọn núi cao. Đại Tiêm quăng mạnh mặt trời lên, Thủy Xã nhổ cây cọ núi bên bờ đầm đỡ lấy mặt trời, treo mặt trời lên bầu trời. Sau đó, Thủy Xã quăng mạnh mặt trăng lên, Đại Tiêm cũng dùng cây cọ núi treo mặt trăng lên trời. Mặt trăng và mặt trời lại vằng vặc trên cao, chiếu sáng mặt đất, vạn vật hồi sinh, cỏ cây sống lại, chim trên cành lại hót véo von, lúa trên đồng lại trổ bông, mọi người hoan hô nhảy nhót. Nhưng Đại Tiêm và Thủy Xã từ đó đã biến thành hai ngọn núi hùng vĩ mãi mãi sừng sững bên bờ đầm.

Về sau, mọi người bèn gọi cái đầm lớn này là đầm Nhật Nguyệt, gọi hai ngọn núi này là núi Đại Tiêm và núi Thủy Xã. Mãi đến ngày nay, vào tết Trung thu hằng năm vẫn có thể thấy mọi người mặc trang phục đẹp đẽ, cầm gậy trúc và bóng màu đến bên bờ đầm Nhật Nguyệt chơi trò “nhảy nâng bóng” để kỷ niệm đôi thanh niên anh hùng Đại Tiêm và Thủy Xã.

Đầm Nhật Nguyệt
日月潭 Đầm Nhật Nguyệt

Các điểm du lịch

Đầm Nhật Nguyệt cảnh đẹp như tranh, núi non trùng điệp bao quanh đầm, mặt đầm mênh mông, nước đầm trong vắt, xung quanh đầm điểm xuyết rất nhiều đình đài lầu các và chùa miếu cổ tháp. Một năm bốn mùa xuân hạ thu đông, cảnh sắc sáng chiều đều khác nhau. Mùa đông nhiệt độ trung bình khoảng 15 độ C trở lên, mùa hè tháng bảy chỉ khoảng 22 độ C, là nơi thích hợp để nghỉ mát.

Khu phong cảnh quốc gia đầm Nhật Nguyệt là khu phong cảnh nổi tiếng nhất đảo Đài Loan. Trong khu phong cảnh đầm Nhật Nguyệt có 6 công viên chủ đề (Cảnh Quan, Tự Nhiên, Khổng Tước, Hồ Điệp, Thủy Điểu, Tôn Giáo) và 8 điểm phong cảnh đặc biệt cùng với hai khu dịch vụ lớn là Thủy Xã và Đức Hóa Xã (xã khu Y Đạt Thiệu).

Đi du lịch đầm Nhật Nguyệt, nếu từ Gia Nghĩa đón xe đò thì chỉ mất hơn một tiếng. Xung quanh đầm có xây nhiều con đường ngắm cảnh, bên đường cây xanh phủ bóng, rất thích hợp để đi dạo. Nhưng đa số du khách vẫn thích học theo cổ nhân “thả thuyền dạo chơi” tham quan các điểm phong cảnh. Trước tiên là lên đảo Châu Tử (đảo Lạp Lỗ). Thuyền vừa nhẹ lướt, người đã như rơi thẳng vào một mặt gương trong suốt, trời nước một màu, sóng biếc lăn tăn, khiến người ta chợt có cảm giác bay bổng như lạc vào cảnh tiên. Đỗ thuyền lên đảo, hòn đảo này ngày xưa rất lớn, về sau do người Nhật xây trạm thủy điện nên phần lớn đã chìm mất, trở nên rất nhỏ, nhưng chính vì vậy mà khiến người ta càng có cảm giác khoáng đãng giữa bốn bề mênh mông sóng nước. Một hòn đảo nho nhỏ vừa như một viên ngọc xanh điểm xuyết giữa đầm vừa là một địa điểm lý tưởng để ngắm đầm Nhật Nguyệt.

Đảo Châu Tử
珠子島 Đảo Châu Tử

Thả thuyền về hướng Bắc, có thể đỗ thuyền bên vách đá dưới chân núi. Nơi đây có con đường lên núi, tổng cộng có 365 bậc thềm đá khắc 365 ngày của một năm và tên của những danh nhân sinh vào ngày đó, con đường này dẫn đến miếu Văn Võ trên núi. Trong miếu thờ Khổng Tử, Quan Công, Nhạc Phi, ngoài ra còn có Văn Xương Đế Quân, Thần Nông Đại Đế, Tam Quan Đại Đế, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Khôi Tinh, Thành Hoàng, Thổ Địa, Long Vương… Phía sau miếu Văn Võ có con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn xuống vườn Khổng Tước ở góc Đông Bắc hồ. Trong vườn có nuôi hơn 200 con công, chủ yếu là công lam Ấn Độ, mỗi khi nhìn thấy du khách ăn mặc sặc sỡ, chúng bèn xoè cánh khoe bộ lông rực rỡ sắc màu.

孔雀園 Vườn Khổng Tước

Từ vườn Khổng Tước, cho dù đi vòng quanh đầm hay thả thuyền ngược về bến phà đều có thể đến xã khu Y Đạt Thiệu (tên cũ là Đức Hóa Xã), là ngôi làng của người Thiệu thuộc tộc Cao Sơn. Làng nằm ở phía Đông Nam hồ, trong làng có Viện bảo tàng văn vật của đồng bào miền núi, trưng bày các dụng cụ sinh hoạt, tác phẩm điêu khắc nghệ thuật của tộc Cao Sơn, đồng thời bán một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm bằng tay của đồng bào miền núi. Ngoài ra, còn có các nhóm ca múa thường biểu diễn cho du khách, nổi bật là điệu múa chày biểu hiện niềm vui lúc giã gạo ngày mùa của phụ nữ miền núi.

伊達邵社區 Xã khu Y Đạt Thiệu

Từ xã khu Y Đạt Thiệu vòng quanh đầm đến bến Nam thì tới chùa Huyền Quang. Trong chùa có tượng Đường Tăng, từng là nơi tạm giữ linh cốt của cao tăng Huyền Trang đời Đường. Phía sau chùa có con đường đá, leo hơn 1300 bậc mới đến chùa Huyền Trang ở sườn núi. Chúa Huyền Trang là ngôi chùa được xây để kỷ niệm cao tăng Huyền Trang. Trong chùa có ba tầng đại điện, tầng ba có tòa tháp nhỏ tên là “tháp Huyền Trang”, cất giữ linh cốt đỉnh sọ của cao tăng Huyền Trang.

Chùa Huyền Trang
玄奘寺 Chùa Huyền Trang

Trên đỉnh núi Thanh Long phía sau chùa Huyền Trang có xây một tòa tháp chín tầng tên là “tháp Từ Ân”, tháp được xây phỏng theo kiểu dáng của tháp cổ đời Tống, có hình bát giác, từ chân tháp đến đỉnh tháp cao 45m, cộng thêm núi Thanh Long cao 955m, vừa tròn 1000m, là nơi cao nhất trong khu phong cảnh đầm Nhật Nguyệt. Leo lên tháp nhìn ra xa có thể thấy hết toàn bộ phong cảnh đầm.

Tháp Từ Ân
慈恩塔 Tháp Từ Ân

Đi quanh đầm đến chân núi phía Tây Bắc, từ xa đã có thể nghe thấy tiếng nước gầm rú, té ra cách đó không xa chính là cổng dẫn nước từ thượng du sông Trạc Thủy qua đường hầm dài 15km dẫn nước vào đầm Nhật Nguyệt, thường được gọi là suối phun Nhật Nguyệt. Đây chính là nguồn nước của đầm Nhật Nguyệt. Bọt nước bắn tung toé cao đến 4-5m, có khi lên đến 7-8m.

Suối phun Nhật Nguyệt
日月湧泉 Suối phun Nhật Nguyệt

Cách suối phun Nhật Nguyệt không xa có một bán đảo nhỏ nằm phía Tây Bắc đầm. Khi mực nước đầm Nhật Nguyệt dâng lên lút mất phần lớn đảo Châu Tử, những người Tsou trên đảo đã dời đến bán đảo này sinh sống, hiện đã xây dựng nên trung tâm tham quan du lịch tràn đầy màu sắc hiện đại, được gọi là Trung tâm du khách Thủy Xã. Đây là nơi tư vấn cho du khách, giới thiệu những món đặc sản, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ và các hoạt động văn hóa ở Khu phong cảnh đầm Nhật Nguyệt. Xe đò, đường quốc lộ vòng quanh hồ, tuyến du lịch quanh đầm… đa phần đều lấy nơi đây làm trạm đầu và trạm cuối. Khách sạn ở đây rất nhiều, lớn và cao cấp nhất phải kể đến “Hội Quán Giáo Sư” và “Hàm Bích Lâu”. Hội Quán Giáo Sư là trung tâm nghỉ dưỡng của những viên chức trong ngành giáo dục Đài Loan. Hàm Bích Lâu là khách sạn lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, ba mặt hướng ra đầm. Đứng trên lầu nhìn mặt đầm soi bóng núi, ngắm ráng sớm mây chiều, du khách sẽ cảm thấy tinh thần lâng lâng sảng khoái.

Trung tâm du khách Thủy Xã
水社遊客中心 Trung tâm du khách Thủy Xã

Ngoài cách thả thuyền hoặc đi bộ để tham quan đầm Nhật Nguyệt, còn có thể ngồi cáp treo băng qua núi ngắm cảnh đầm từ trên cao hoặc đạp xe đạp bên bờ đầm hóng gió. Con đường dành cho xe đạp từ bến Thủy Xã dẫn đến Trung tâm du khách được chọn là một trong 10 con đường dành cho xe đạp đẹp nhất trên thế giới. Đường dài khoảng 3km, được xây dựng men theo bờ đầm Nhật Nguyệt, có thể vừa đạp xe vừa ngắm cảnh đầm. Ven đường sẽ đi ngang qua cầu Đồng Tâm, bên cầu có một nơi rất đẹp, được thiết kế dành riêng cho du khách nghỉ ngơi, còn là quảng trường áo cưới nổi tiếng, thu hút rất nhiều đôi vợ chồng đến chụp ảnh cưới. Những nhà chụp ảnh du lịch nổi tiếng của Đài Loan cũng thường đến đây để lấy cảnh chụp ảnh. Bên cạnh quảng trường có một bãi cát nhỏ để du khách có thể tiếp xúc với nước đầm Nhật Nguyệt.

Con đường xe đạp men theo bờ Đầm Nhật Nguyệt
自行車道 Con đường xe đạp

Ngoài phong cảnh thơ mộng, đầm Nhật Nguyệt còn hấp dẫn du khách bởi các món đặc sản như: cá thiểu bạc, cá mương, nấm đông cô, tôm đầm, thịt heo núi, củ hũ cau, gà so… Đến với khu phong cảnh đầm Nhật Nguyệt, du khách có thể thưởng thức các món đặc sản, tham gia các hoạt động văn hóa, tham quan các điểm du lịch hoặc chỉ đơn thuần là thả thuyền dạo đầm, dập dềnh trong sương mù bảng lảng, để hồn hòa nhập vào non nước mênh mông.

21 Tháng Tám, 2023

0 responses on "ĐẦM NHẬT NGUYỆT - 日月潭"

    Leave a Message

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    X
    Chuyển đến thanh công cụ