Liên hệ ! 0906 778 713 | nshaihasg@gmail.com

Setup Menus in Admin Panel

“Biên thành mộ vũ nhạn phi đê,
Lô duẫn sơ sinh tiệm dục tề.
Vô số linh thanh dao quá tích,
Ưng đà bạch luyện đáo An Tê (Tây).”

(Vùng biên giới vào buổi chiều mưa rơi, nhạn bay la đà.
Lau lách măng tre mới mọc lô nhô chen nhau.
Vô số lạc đà với tiếng chuông leng keng từ phía xa xa băng qua sa mạc,
đó chính là lúc thồ lụa trắng đến An Tây).

Đây là những câu thơ trong bài “Lương Châu Từ” của Trương Tịch, nhà thơ đời Đường, miêu tả cảnh tượng thường thấy trên một con đường cổ xưa vùng Tây Bắc Trung Quốc cổ đại: từng đoàn từng đoàn lạc đà chở đầy tơ lụa đi về phía Tây tiến vào sa mạc. Con đường này chính là “con đường tơ lụa” nổi tiếng.

Con đường tơ lụa thời cổ đại phía đông bắt đầu từ Trường An (nay là Tây An), qua vùng ven Hà Tây (nay thuộc Tân Cương), vượt qua Thông Lĩnh (nay là cao nguyên Pamir), lại qua Tây Á, cuối cùng đến châu Âu, tổng cộng dài hơn 7000km. Từ thời Tây Hán thế kỷ thứ 2 TCN đến thế kỷ 13, con đường tơ lụa luôn là con đường thương mại quốc tế trên đất liền dài nhất của Trung Quốc cổ đại, cũng là con đường hữu nghị mà Trung Quốc cổ đại bang giao với nước ngoài. Lúc ấy, do trong những vật phẩm được vận chuyển qua con đường này, số lượng nhiều nhất và được hoan nghênh nhất là tơ lụa, vì thế người châu Âu gọi con đường này là “con đường tơ lụa”.

Trung Quốc – đất nước của “con đường tơ lụa”

Trung Quốc là quốc gia trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa sớm nhất trên thế giới. Tương truyền, việc nuôi tằm dệt lụa là do Loa Tổ – vợ của Hoàng Đế – phát minh ra, người ta gọi Loa Tổ là “Tiên tàm” (bà tổ của người trồng dâu nuôi tằm). Những người làm công tác khảo cổ đã phát hiện hóa thạch của nửa cái kén tằm được con người cắt trong một di chỉ thời kỳ đồ đá mới của xã hội nguyên thủy ở tỉnh Sơn Tây, trong di chỉ thời kỳ đồ đá mới ở tỉnh Chiết Giang cũng đã phát hiện những mảnh lụa, thắt lưng bằng tơ và chỉ tơ được đựng trong sọt tre. Những văn vật được khai quật này đã cho thấy hơn 4000 năm trước, người Trung Quốc đã nuôi tằm dệt lụa rồi.

Trong chữ Giáp Cốt đời Thương có những chữ như: Tang “桑” (dâu), Tàm “蚕” (tằm), Ti “丝” (tơ), Bạch “帛” (lụa). Trên một miếng mai rùa còn khắc nội dung: “Dùng ba đầu trâu để tế thần tằm”.

Đời Chu, việc trồng dâu rất phổ biến, trong Kinh Thi có rất nhiều bài thơ miêu tả việc trồng dâu, trong đó có một bài viết về ruộng dâu rộng đến 10 mẫu.

Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, nuôi tằm dệt lụa đã trở thành nghề thủ công gia đình của thường dân, đã xuất hiện rất nhiều người thợ dệt lụa có tay nghề giỏi, nghe nói mỹ nhân nổi tiếng Tây Thi cũng là một người thợ dệt lụa giỏi. Bức tranh lụa được khai quật trong ngôi mộ Sở đã thể hiện rõ trình độ dệt lụa thời bấy giờ.

Đến đời Hán, trình độ kỹ thuật sản xuất tơ lụa càng cao. Đương thời người ta có thể dệt được các sản phẩm như: lụa mộc, sa, gấm, lụa vân, lĩnh, the, lụa, đoạn… chất lượng rất tốt. Trong ngôi mộ Hán ở gò Mã Vương, Trường Sa, đã khai quật được hơn 200 sản phẩm dệt tơ và dệt đay, trong đó có hai chiếc áo sa dệt tơ nhẹ mỏng, trong suốt, trọng lượng chưa đến 50g. Từ đời Hán trở về sau, các loại sản phẩm tơ lụa càng lúc càng nhiều, chất lượng cũng càng lúc càng tốt.

Thời Hán, Đường, tơ lụa Trung Quốc được truyền sang Tây Á và châu Âu qua con đường tơ lụa. Người phương Tây nhìn thấy số tơ lụa đẹp đẽ này đều vô cùng kinh ngạc, nói rằng tơ lụa “đẹp như tiên nữ trong thần thoại”, “thần bí như giấc mơ”. Vì thế, người Hy Lạp cổ đã gọi Trung Quốc là “Serse” (đất nước của tơ lụa). Theo sách sử phương Tây ghi chép, Cezar – đại đế của đế quốc La Mã – đã từng mặc chiếc áo bào bằng tơ của Trung Quốc để đi xem hát, làm náo động cả rạp hát, mọi người đều đến ngắm chiếc áo bào tơ này, quên cả xem hát.

Viện bảo tàng Tơ lụa Trung Quốc
Viện bảo tàng Tơ lụa Trung Quốc

Trương Khiên và “con đường tơ lụa”

Nhắc đến con đường tơ lụa, người ta tự nhiên sẽ nhớ đến Trương Khiên, nhà ngoại giao thời Tây Hán, người đã khai mở con đường này hơn 2000 năm trước.

Thời Tây Hán, từ Ngọc Môn Quan ở Cam Túc về phía Tây rất xa có một vùng đất gọi là “Tây Vực”, ở đó có mấy mươi quốc gia lớn nhỏ. Lúc đó dân tộc Hung Nô lâu đời ở miền Bắc Trung Quốc vô cùng cường thịnh, họ chinh phục Tây Vực và không ngừng xâm phạm lãnh thổ Tây Hán. Để trừ bỏ sự uy hiếp của Hung Nô đối với triều Tây Hán, hoàng đế Tây Hán là Hán Vũ Đế đã phái Trương Khiên đi sứ Tây Vực, liên lạc với một đất nước tên là Đại Nguyệt Thị, từ hai phía Đông Tây tấn công Hung Nô.

Năm 138 TCN, Trương Khiên dẫn hơn 100 người xuất phát từ Trường An đi đến Tây Vực, không ngờ trên đường đi bị Hung Nô bắt được, cầm giữ đến mười năm. Khi đoàn người của Trương Khiên trốn thoát đến Đại Nguyệt Thị thì Đại Nguyệt Thị đã dời đến nơi xa hơn ở biên giới phía Tây, không muốn đánh Hung Nô nữa. Trương Khiên đành phải trở về Trường An, lúc trở về chỉ còn lại hai người. Trương Khiên tuy không đạt được mục đích đi sứ ban đầu, nhưng đã am hiểu rất nhiều về địa lý, sản vật và tình hình sinh hoạt của nhân dân Tây Vực, đồng thời đã báo cáo tình hình này với Hán Vũ Đế.

Năm 119 TCN, Trương Khiên đi sứ Tây Vực lần thứ hai. Lần này ông dẫn theo hơn 300 người, đi thăm rất nhiều vùng ở Tây Vực và mang đến cho Tây Vực tơ lụa, đồ sắt, đồ sơn mài cùng những kỹ thuật dệt tơ, đào giếng, đúc tạo đồ sắt… đồng thời cũng mang những hạt giống nho, thạch lựu, hồ đào, cà rốt… của Tây Vực về lại Trường An. Các nước Đại Nguyệt Thị, An Tức (nay là Iran), Thân Độc (nay là Ấn Độ)… cũng phái sứ giả đến thăm Trường An.

Trương Khiên hai lần đi sứ Tây Vực đã tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa triều Hán và nhân dân Tây Vực.

Sau khi Trương Khiên đi sứ Tây Vực, những nhà buôn, dân du mục, nhà sư, nhà du hành của Trung Quốc và các nước phương Tây bắt đầu không ngừng đi lại trên con đường tơ lụa.

Nhà sư nổi tiếng đời Đường – Trần Huyền Trang – đã xuất phát từ Trường An, men theo con đường tơ lụa, khắc phục muôn trùng gian nan nguy hiểm để đến được Ấn Độ, mang về hơn 650 bộ kinh Phật. Đây chính là câu chuyện “Đường Tăng thỉnh kinh” nổi tiếng.

Những năm đầu đời Nguyên, nhà du hành người Ý Marco Polo cũng đến Trung Quốc theo con đường này. Marco Polo ở Trung Quốc 17 năm, đã viết một quyển sách nổi tiếng “Marco Polo du ký”.

Trong thời gian hơn 1000 năm từ đời Hán trở về sau, con đường tơ lụa vẫn là con đường quan trọng giao lưu kinh tế văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây. Những sản vật của Trung Quốc không ngừng được đưa sang phương Tây, những sản vật của phương Tây cũng không ngừng du nhập Trung Quốc, Trung Quốc và các nước phương Tây cũng đã tiến hành giao lưu rộng rãi về các mặt thiên văn, lịch pháp, toán học, y học, âm nhạc, vũ đạo. Con đường tơ lụa đã phát huy tác dụng quan trọng vì sự phát triển của nền văn minh cổ đại Trung Quốc và một số nước phương Tây.

Trương Khiên
Trương Khiên

Con đường tơ lụa cổ xưa tràn đầy sức hấp dẫn

Ngày nay, giao thông trên con đường cổ xưa này ở vùng biên giới Trung Quốc đã mất đi tác dụng ngày xưa, nhưng những di vật thời cổ đại không sao đếm xuể trên con đường này lại thu hút mọi người bởi sức hấp dẫn cực kỳ của chúng. Di chỉ Bán Pha ở thành cổ Tây An, hầm tượng binh mã ở lăng Tần Thủy Hoàng, rừng bia, các lăng mộ đế vương, đền chùa, Phật tháp… đều nổi tiếng trong và ngoài nước; di chỉ Trường Thành đời Hán, thành cổ Lâu Lan, Cao Xương… bị gió cát chôn vùi đều có sức hấp dẫn kỳ lạ; chùa hang đá Mạc Cao ở Đôn Hoàng, chùa hang đá ở Mạch Tích Sơn càng giống như những viên ngọc quý trên con đường cổ, tỏa ra ánh hào quang rực rỡ của nền văn minh cổ đại.

Phong cảnh tự nhiên ven con đường tơ lụa cũng rất độc đáo, thu hút mọi người. Sông Hoàng Hà cuồn cuộn chảy về Đông, sa mạc mênh mông vô tận, những đỉnh núi cao quanh năm tuyết phủ, thảo nguyên cỏ xanh mơn mởn, cộng thêm ao hồ chằng chịt đã hợp thành bức tranh sơn thủy về con đường tơ lụa. Câu thơ Đường “Đại mạc cô yên trực, Trường hà lạc nhật viên” (Một làn khói lẻ loi bay lên giữa sa mạc mênh mông, một vầng mặt trời tròn trĩnh lặn xuống dòng sông dài) đã miêu tả một cách chân thật phong cảnh vùng biên ải trên con đường tơ lụa.

Con đường tơ lụa băng qua những vùng mà các dân tộc thiểu số của Trung Quốc tập trung sinh sống. Người tộc Hồi, tộc Mông, tộc Tạng, tộc Duy Ngô Nhĩ, tộc Kazakh, tộc Tajik, tộc Kirkzi đã đời đời kiếp kiếp sống ở đó, phương thức sinh hoạt và truyền thống văn hóa độc đáo của họ càng làm tăng thêm sắc thái mê hồn cho con đường tơ lụa.

Con đường tơ lụa tràn đầy sức hấp dẫn, mỗi năm nó đã thu hút một số lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến để tham quan, du ngoạn. Những năm gần đây, một số đoàn du lịch đã cưỡi ngựa và lạc đà du lịch men theo con đường cổ xưa, đây thật sự là một việc rất thú vị, họ muốn tự mình thể nghiệm những gian nan, khốn khổ của những người du hành ngày xưa, tự mình tìm tòi những bí ẩn của con đường tơ lụa.

Phong cảnh trên con đường tơ lụa
Phong cảnh trên con đường tơ lụa
8 Tháng Tám, 2023

0 responses on "CON ĐƯỜNG TƠ LỤA"

    Leave a Message

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    X
    Chuyển đến thanh công cụ