BỐN PHÁT MINH LỚN CỦA TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI

Kỹ thuật làm giấy

Chữ viết Trung Quốc có lịch sử rất lâu đời, nhưng thuở ban đầu vẫn chưa có giấy, người ta dùng dao khắc chữ trên mai rùa và xương thú hoặc đúc trên đồ đồng, đây chính là Giáp Cốt văn và Kim văn.

Về sau, người ta lại khắc chữ trên những thẻ tre dài và trên thanh gỗ, lần lượt được gọi là “trúc giản” (thẻ tre) và “mộc giản” (thẻ gỗ). Thẻ tre, thẻ gỗ rất thô, chữ viết đọc không thuận tiện. Tương truyền Tần Thủy Hoàng mỗi ngày phải phê duyệt 120kg công văn. Thời Chiến Quốc có người tên Huệ Thi, mỗi lần ra ngoài du ngoạn đều phải dùng năm xe để chở những sách cần đọc.

Sau này, mọi người lại viết chữ hoặc vẽ tranh trên lụa. Lụa là một sản phẩm dệt tơ, giá rất đắt, người bình thường không dùng nổi.

Đến thời Tây Hán, giấy cuối cùng cũng đã xuất hiện. Loại giấy đầu tiên được làm bằng xơ gai, gọi là “ma chỉ” (giấy gai). Giấy gai đã từng được phát hiện trong các di chỉ thời Tây Hán ở Tân Cương, Thiểm Tây, Cam Túc. Năm 1986, trong một ngôi mộ cổ thời kỳ đầu Tây Hán ở bãi Phóng Mã, thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, người ta đã khai quật được một tấm bản đồ bằng giấy. Tấm bản đồ giấy này vừa mỏng vừa mềm, bên trên có vẽ sông ngòi, núi non và đường sá bằng những nét mực đen thô. Các chuyên gia cho rằng giấy thời Tây Hán thuộc loại giấy xenlulo thực vật.

Năm 105, Thái Luân – người đời Đông Hán đã tổng kết kinh nghiệm làm giấy của nhân dân lao động, dùng vỏ cây, đay gai, vải rách, lưới đánh cá cũ làm nguyên liệu, qua ba công đoạn: tạo dung dịch giấy, xeo giấy, sấy khô, đã chế tạo thành một loại giấy xenlulo thực vật chất lượng cao hơn. Loại giấy này mỏng, nhẹ, dùng rất tốt, giá rẻ, nguồn nguyên liệu lại phong phú, cho nên rất được mọi người hoan nghênh, người ta gọi loại giấy này là “giấy Thái Hầu”. Thái Luân đã cải tiến phương pháp làm giấy, đã có cống hiến vĩ đại đối với nền văn minh nhân loại.

Kỹ thuật làm giấy của Trung Quốc được truyền sang Triều Tiên, Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ 4, truyền sang Nhật Bản và khu vực Ả Rập vào khoảng thế kỷ thứ 7, truyền sang châu Âu và châu Phi vào khoảng thế kỷ 12.

Kỹ thuật làm giấy

Kỹ thuật in ấn

Ở Trung Quốc, sách vở thuở ban đầu được chép bằng tay. Chép sách vừa mất thời gian lại vừa phí sức mà còn rất dễ xảy ra sai sót.

Vào thế kỷ thứ 4, người Trung Quốc đã nắm được phương pháp in thác bản trên bia đá, có những bản in thác nền đen chữ trắng. In thác bản có thể được gọi là phương pháp in ấn nguyên thủy nhất.

Đến thời Tùy Đường, người ta lại phát minh ra cách in khắc bản, tức là khắc chữ ngược trên bản gỗ, để chữ lồi lên, bôi mực vào, sau đó trải giấy lên trên, vuốt nhè nhẹ, thế là một trang giấy đã được in xong. Thời đó, một người thợ thành thạo có thể in được hai ngàn trang một ngày. Bộ “Kinh Kim Cang” in khắc bản đời Đường có chữ và tranh vẽ được in vô cùng sắc sảo. “Kinh Kim Cang” là chế phẩm in khắc bản đầu tiên trên thế giới có ghi ngày tháng chính xác. In khắc bản tuy có thể in sách hàng loạt, nhưng do chữ trên bản khắc là cố định, cho nên sau khi in xong một trang thì tấm bản khắc này không còn dùng được nữa.

Đến thế kỷ 11, Tất Thăng – người đời Tống – đã phát minh ra thuật in chữ rời. Tất Thăng dùng đất sét nặn thành từng miếng hình vuông, khắc chữ ngược lên trên, dùng lửa nung cứng, thế là đã thành chữ rời. Lúc in sách, xếp chữ rời theo thứ tự trên một tấm sắt có khuôn, ép phẳng, giữ cố định, bôi mực lên thì có thể in được. Sau khi in xong, lấy chữ rời ra, lần sau có thể sử dụng lại. Phương pháp in này vừa nhanh vừa đỡ phí sức, phát hiện ra lỗi sai vẫn có thể sửa lại. Thuật in chữ rời do Tất Thăng phát minh ra là một sáng tạo vĩ đại trong lịch sử in ấn thế giới.

Về sau, người ta dùng chữ rời bằng gỗ, bằng đồng, bằng chì để in sách, chất lượng in sách càng lúc càng cao.

Kỹ thuật in chữ rời, sau khi được phát minh, lần lượt được truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản và các nước phương Tây. Đến thế kỷ 15, châu Âu mới có bản in chữ rời, muộn hơn 400 năm so với phát minh của Tất Thăng.

Kỹ thuật in ấn

Kim chỉ nam

Ngày xưa, khi con người đi đâu xa, để phân biệt hướng thì ban ngày họ nhìn mặt trời, ban đêm nhìn sao, nhưng vào lúc trời âm u hoặc trời mưa thì gặp khó khăn.

Theo truyền thuyết, Hoàng Đế – tổ tiên của người Trung Quốc – đã chế tạo ra xe chỉ nam có thể chỉ phương hướng, nếu truyền thuyết này là thật thì Trung Quốc từ 4000 năm trước đã có công cụ có thể chỉ phương hướng. Nhưng xe chỉ nam thì dựa vào chuyển động của bánh xe để chỉ phương hướng, nó vẫn không phải là kim chỉ nam mà chúng ta muốn nói đến.

Từ xưa rất xưa, người dân lao động Trung Quốc đã phát hiện đá nam châm thiên nhiên có thể hút sắt. Thời Chiến Quốc 2000 năm trước, người ta đã dùng nam châm thiên nhiên làm thành một cái muôi, đặt trên khay đồng trơn, xoay cái muôi, đợi khi cái muôi ngừng lại thì cán muôi luôn chỉ hướng Nam, đây chính là công cụ chỉ nam đầu tiên, có tên gọi là “Tư nam”.

Đời Tống, người Trung Quốc đã phát minh ra nam châm nhân tạo. Người ta lấy những thanh sắt làm thành hình con cá, nung đỏ trong lửa rồi đặt xuống đất theo hướng Nam Bắc, thanh sắt sẽ chịu cảm ứng từ của trái đất mà mang từ tính, đây chính là “Chỉ nam ngư”. Nhưng từ tính của “Chỉ nam ngư” rất yếu. Về sau, người ta lại dùng kim thép cọ xát trên nam châm thiên nhiên, khiến cho kim thép mang từ tính, đây chính là kim chỉ nam dạng kim. Theo ghi chép, đời Tống có bốn loại kim chỉ nam dạng kim, trong đó có một loại kim chỉ nam nổi trên nước được dùng đầu tiên trong ngành hàng hải. Không lâu sau, người ta lại kết hợp kim nam châm với khay phương vị, tạo ra la bàn. Ứng dụng của la bàn đã thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải. Nhà hàng hải nổi tiếng đời Minh – Trịnh Hòa – bảy lần sang Tây Dương bằng đường biển đã dùng loại la bàn này.

Kim chỉ nam

Thuốc nổ

Thuốc nổ do các loại bột diêm tiêu, lưu huỳnh, than củi hỗn hợp lại mà thành, người ta gọi nó là “hắc hỏa dược” (thuốc nổ đen).

Phát minh thuốc nổ có quan hệ trực tiếp với thuật luyện đan. Thời xưa ở Trung Quốc, các nhà luyện đan thường phối hợp khoáng vật với thực vật, nung luyện trong lò, muốn luyện ra loại “tiên đơn” có thể khiến cho con người trường sinh bất lão, đương nhiên, đây là việc không thể thực hiện được. Nhưng các nhà luyện đan trong quá trình luyện đan đã phát hiện ra loại vật chất có thể cháy nổ, chế thành thuốc nổ. Thuốc nổ có lẽ xuất hiện vào đời Tùy. Vào những năm cuối đời Đường, thuốc nổ bắt đầu được sử dụng trong quân sự. Đời nhà Tống, những vũ khí dùng thuốc nổ đã được sử dụng rộng rãi.

Thế kỷ 13, thuốc nổ và vũ khí dùng thuốc nổ bắt đầu được truyền sang phương Tây, đầu tiên truyền đến các nước Ả Rập, sau đó lại truyền sang một số nước châu Âu.

Thuốc nổ

Thuật làm giấy, thuật in ấn, kim chỉ nam và thuốc nổ là bốn phát minh lớn của người Trung Quốc cổ đại, cũng là tiêu chí quan trọng để Trung Quốc trở thành nước văn minh cổ của thế giới.

7 Tháng tám, 2023

0 responses on "BỐN PHÁT MINH LỚN CỦA TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI"

Leave a Message

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

top
Hán ngữ Hải Hà SG
X
Chuyển đến thanh công cụ