Liên hệ ! 0906 778 713 | nshaihasg@gmail.com

Setup Menus in Admin Panel

曹雪芹与《红楼梦》 — TÀO TUYẾT CẦN VÀ “HỒNG LÂU MỘNG”

Giữa những năm Càn Long đời Thanh, bản sao của một bộ tiểu thuyết chưa hoàn thành -《石头记》“Thạch đầu ký” (sau gọi là《红楼梦》“Hồng lâu mộng”) – bắt đầu xuất hiện trên đường phố Bắc Kinh, chẳng mấy chốc đã được sao chép và lưu truyền khắp các vùng của Trung Quốc, thậm chí còn truyền ra hải ngoại. Về sau đã xuất hiện tình trạng “khắp trong nước, nhà nhà đều thích đọc, nơi nơi tranh nhau mua”, đến nỗi có cách nói:“开谈不说《红楼梦》,读尽诗书亦枉然”(Khai đàm bất thuyết “Hồng lâu mộng”, đọc tận thi thư diệc uổng nhiên: Chuyện trò chẳng kể “Hồng lâu mộng”, đọc hết thi thư cũng uổng công).

Tác giả của “Hồng lâu mộng” là Tào Tuyết Cần (1715 – 1763) có tên là Triêm, tự là Mộng Nguyễn, hiệu là Tuyết Cần, người Phong Nhuận, Hà Bắc. Ông đã trải nghiệm quá trình từ cực thịnh đến suy của gia tộc mình. Cảnh nhà sa sút đã khiến cho Tào Tuyết Cần nếm trải những đổi thay dâu bể, làm tăng cảm nhận về nhân tình ấm lạnh. Vào những năm cuối đời khốn đốn thê lương, ông đã “mở đọc mười năm, chỉnh sửa năm lần”, sáng tác nên tác phẩm trường thiên đồ sộ “Thạch đầu ký”. Nhưng đáng tiếc là bản thảo còn chưa hoàn thành thì ông đã qua đời trong cảnh nghèo khổ cùng quẫn. Bản thảo “Thạch đầu ký” chỉ có 80 hồi, sau Cao Ngạc viết tiếp 40 hồi sau, đồng thời đổi tên sách là “Hồng lâu mộng”.

“Hồng lâu mộng” là một vở bi kịch tình yêu đau đớn của những người chống lại giai cấp phong kiến, là một khúc bi ca của “sự hủy diệt cái đẹp”. Giả Bảo Ngọc là nhân vật trung tâm trong “Hồng lâu mộng”, sự theo đuổi trong cuộc đời anh ta và số phận bi kịch của anh ta đã thể hiện chủ đề trọng tâm của tiểu thuyết. Hồi thứ nhất của tiểu thuyết, tác giả đã viết: Lúc Nữ Oa vá trời, còn thừa lại một hòn đá chưa dùng, sau một đạo sĩ đã biến hòn đá này thành một viên ngọc nho nhỏ xinh đẹp, mang đến nhân gian, đây chính là viên “Thông linh bảo ngọc” mà Giả Bảo Ngọc ngậm trong miệng lúc sinh ra. Câu chuyện mang màu sắc thần thoại này đã tạo nên một biểu tượng quan trọng trong tiểu thuyết: Giả Bảo Ngọc là một “vật thừa” có bản chất tốt đẹp và tài năng ưu việt. Mục tiêu theo đuổi, lý tưởng nhân sinh và quan niệm giá trị của anh trái ngược và mâu thuẫn với quan niệm chính thống của xã hội. Anh không được xã hội dung nạp, không tìm được vị trí của mình trong xã hội, thế là bèn dốc hết tất cả nhiệt tình của mình vào những cô gái trẻ trong vườn Đại Quan. Anh ta cùng với Đại Ngọc do chí khí và sở thích hợp nhau mà trở thành tri kỷ, họ gần gũi nhau trong một thời gian dài nên tình yêu đã nảy sinh. Tình yêu này đã trở thành ý nghĩa trong cuộc đời vô nghĩa của Giả Bảo Ngọc, trở thành sức mạnh tinh thần có giá trị công nhận sự đối kháng xã hội của anh ta, nhưng tình yêu tuyệt đẹp này vẫn không được xã hội chấp nhận, những cô gái trong vườn Đại Quan, kể cả Đại Ngọc, cũng lần lượt đi đến hủy diệt: có người thì bị gia đình thối nát này nuốt chửng, có người thì theo sự suy vong của gia đình này mà luân lạc. Thế giới hiện thực đáng ghét đã hủy hoại giá trị con người, hủy diệt cái đẹp, nhưng nỗi tiếc nhớ khôn nguôi về cái đẹp bị hủy diệt trong tác phẩm đã mang đến niềm xúc động sâu xa cho người đời sau. Vở bi kịch tình yêu, khúc ai ca về cái đẹp này lại được triển khai trên lịch sử từ thịnh đến suy của nhà phú quý thế gia Giả phủ. Những thể nghiệm nhân sinh sâu sắc của tác giả và cuộc sống hiện thực xã hội sâu rộng đã hòa quyện vào nhau, khiến cho tiểu thuyết có giá trị nhận thức và ý nghĩa phê phán xã hội sâu sắc.

“Hồng lâu mộng” là một trước tác đồ sộ được biên soạn công phu. Nó đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Thành tựu nghệ thuật nổi bật của nó chính là đã tạo nên một hệ thống hình tượng nhân vật có cá tính mới mẻ, thần thái bay bổng. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Sử Tương Vân, Vương Hy Phượng… họ đã tạo nên một dải tranh nhân vật rất dài, muôn màu muôn sắc, có giá trị bất hủ trong lịch sử văn học Trung Quốc. “Hồng lâu mộng” là một tác phẩm bất hủ. Thành tựu nghệ thuật to lớn của nó đã gây hứng thú cho những nhà nghiên cứu và sự mô phỏng của tầng tầng lớp lớp những tác gia đời sau. Có thể nói trong lịch sử văn học Trung Quốc, rất khó tìm được bộ sách thứ hai nào được ca tụng hết lời và có ảnh hưởng sâu rộng như “Hồng lâu mộng”. Có lẽ tác giả đã sớm có cảm nhận trước, ở thiên mở đầu, ông đã từng viết những câu thơ như thế này: “满纸荒唐言,一把幸酸泪,都云作者痴,谁解其中味。”(Mãn chỉ hoang đường ngôn, Nhất bả tân toan lệ, Đô vân tác giả si, Thùy giải kỳ trung vị: Đầy trang những chuyện hoang đường, Là dòng nước mắt đoạn trường đắng cay! Đời cho tác giả là ngây, Ai người hiểu được ý dày sâu xa).

0 responses on "曹雪芹与《红楼梦》 — TÀO TUYẾT CẦN VÀ “HỒNG LÂU MỘNG”"

    Leave a Message

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    X
    Chuyển đến thanh công cụ