Túi thơm là chiếc túi nhỏ đựng hương liệu, người Trung Hoa xưa thường đeo bên mình, dùng để tránh tà khí, cũng dùng làm vật trang sức.
Tác dụng
Túi thơm được may bằng lụa, bên trong thường đựng các vị thuốc Bắc như bạch chỉ, ngải diệp, tân di, bạc hà, băng phiến… Những vị thuốc này có thể tỏa ra hương thơm tự nhiên, hương thơm này có công hiệu làm sảng khoái tinh thần, trừ tà khí. Những nghiên cứu của y học hiện đại cũng chứng minh sở dĩ những vị thuốc này có hương thơm là do chúng chứa một lượng lớn tinh dầu. Những tinh dầu này có tác dụng kháng khuẩn, kháng virút.
Túi thơm có thể làm sảng khoái tinh thần là do hương thơm của những vị thuốc đặc biệt trong túi thơm tác động đến đại não giúp điều tiết hệ thần kinh, khiến tinh thần con người phấn chấn. Hương thơm còn tác động đến niêm mạc mũi, khiến cho hàm lượng kháng thể trên niêm mạc mũi – SlgA (secretory immunoglobulin-A) – tăng cao, từ đó khiến cho virút trên niêm mạc mũi và niêm mạc đường hô hấp khó mà sống sót, làm hạ thấp nguy cơ cảm mạo của con người.
Ngoài việc phòng ngừa cảm mạo, túi thơm còn giúp phòng ngừa bệnh tay chân miệng, trừ muỗi và côn trùng.
Truyền thuyết và phong tục
Phong tục dùng túi thơm bắt nguồn từ thời Hán, có liên quan đến phong tục ngày tết Đoan Ngọ của Trung Quốc. Tương truyền, mùng 5 tháng 5 là ngày xấu, côn trùng gây hại sinh sôi nảy nở, dịch bệnh lan tràn trong dân gian. Ngọc Hoàng Thượng Đế bèn phái các thần tiên xuống trần chữa bệnh dịch, dùng ngải cứu làm túi thơm, bôi rượu Hùng hoàng, diệt trừ côn trùng gây hại, giúp người dân tránh khỏi tai nạn và dịch bệnh. Từ đó, phong tục dùng túi thơm lưu truyền trong dân gian, từ thời Đường – Tống trở đi càng thịnh hành hơn, sau thời Minh – Thanh, việc nam nữ đeo túi thơm đã trở nên cực kỳ phổ biến, hơn nữa phương pháp chế tạo càng lúc càng tinh xảo. Hình dáng và hoa văn của túi thơm vô cùng phong phú tùy theo từng vùng khác nhau: có vùng may thành hình người hoặc động vật; có vùng dùng chỉ lụa màu bện thành hình thoi, hình vuông hoặc hình tam giác; trên túi thơm thêu hoa lá, chim chóc, rau củ… đủ loại. Cách đeo cũng đủ kiểu, có thể đeo ở thắt lưng, vạt áo, trước ngực hoặc trong tay áo.
Thanh niên nam nữ thích nhau có thể dùng túi thơm làm tín vật hoặc làm quà tặng nhau. Người Thổ Gia ở Trung Quốc gọi túi thơm là “túi uyên ương” và dùng túi thơm làm tín vật ước định tình cảm giữa nam nữ. Cách làm đại khái như sau: dùng vải trắng làm mặt ngoài, vải đỏ làm lớp lót, trong ngoài hai lớp, cao khoảng 2 tấc, rộng 2 tấc, bên ngoài có thêu các hình như “uyên ương giỡn nước”, “cá chép vượt long môn”, “bạch hạc sải cánh”…, đường kim mũi chỉ vô cùng tinh xảo, vì nó là vật mà các cô gái Thổ Gia tặng cho người mình yêu mến, thể hiện những nguyện vọng tốt đẹp như khao khát hạnh phúc, khao khát tự do… Ngày xưa, chàng trai Thổ Gia nào có được túi thơm do một cô gái tặng thì xem như là có được trái tim của cô gái ấy, khi đó, nếu nhờ người mai mối đến dạm hỏi thì mười phần chắc chín. Cũng có những cô gái vì lệnh của cha mẹ mà không thể kết hôn với người mình yêu, bèn chăm chút làm một chiếc túi thơm tặng cho người yêu. Những người yêu nhau thông thường đến lúc chết vẫn còn giữ món quà này. Đến nay, ở rất nhiều vùng dân tộc Thổ Gia, các cô gái vẫn còn giữ phong tục may túi thơm.
Chế tạo
Dùng túi thơm đựng các vị thuốc Bắc có tác dụng bảo vệ sức khỏe nhất định, cách làm cũng không phức tạp, lấy vải may thành cái túi nhỏ rồi bỏ hương liệu vào là được. Trước khi sử dụng cần tìm hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình và tham khảo ý kiến thầy thuốc để chọn dùng những vị thuốc thích hợp. Hoặc có thể chọn một trong những phương thuốc sau:
- Băng phiến 3g, long não 3g, riềng 15g, quế 30g
- Xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, thương truật 20g, băng phiến 3g
- Địa liền 10g, hùng hoàng 10g, long não 3g, đinh hương 50g
Chọn một trong những phương thuốc trên, tán nhỏ các vị thuốc thành bột, lấy 3-5g bột bỏ vào túi, đeo trên cổ, trước ngực hoặc may vào quần áo, để bên gối. Một túi thuốc thông thường có thể dùng trong 7-15 ngày, khi mùi hương nhạt đi thì nên thay thuốc. Những người mắc bệnh truyền nhiễm thì nên ngưng dùng túi thơm trong thời gian điều trị để khỏi ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc. Ngoài ra, phụ nữ có thai, người dễ dị ứng và trẻ em thể chất nhiệt không nên dùng túi thơm.
Ngày nay, trong túi thơm truyền thống không chỉ nhồi nhiều vị thuốc quý mà còn có các loại hương liệu chứa hương hoa tự nhiên như đinh hương, đàn hương, bạc hà, hoắc hương… Kiểu dáng túi thơm cũng rất thời trang, ngoài đeo trong người hoặc trên quần áo, còn có thể treo trên xe, trên điện thoại di động, trên ba lô, móc khóa, còn có thể làm thành đệm kê tay máy vi tính, gối tựa sa-lông, vật treo trong nhà, vật treo tường…
Rất hay